Nostalgia Marketing (Tiếp thị hoài niệm) là thành phần bí mật tạo nên sự hấp dẫn cho các chiến dịch hiện đại, thu hút sự quan tâm và cuối cùng xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Chiến thuật tiếp thị phổ biến này đang làm mưa làm gió trên toàn thế giới.
- Nostalgia Marketing là gì?
Nostalgia (hoài niệm) là một hiện tượng tâm lý phổ biến, thể hiện qua việc con người có xu hướng nhớ lại và tập trung vào những ký ức tích cực trong quá khứ, đặc biệt là những ký ức liên quan đến cảm xúc tích cực. Từ “nostalgia” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, ám chỉ một trạng thái cảm xúc phức tạp bao gồm cả niềm vui và nỗi buồn.
Nostalgia Marketing (tiếp thị hoài niệm) được xem như nghệ thuật khơi gợi những ký ức đẹp đẽ, đưa người tiêu dùng trở về những khoảnh khắc ngọt ngào trong quá khứ.
Tiếp thị hoài niệm khai thác trực tiếp vào tâm lý của người tiêu dùng. Nghiên cứu của Frontiers in Psychology cho thấy, quyết định mua hàng của chúng ta không chỉ dựa trên lý trí mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ cảm xúc. Khi một thương hiệu gợi nhớ lại những kỷ niệm đẹp, họ đang kích hoạt những cảm xúc tích cực, khiến khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định mua hàng. Điều này giải thích tại sao các chiến dịch marketing hoài cổ thường rất thành công.
2. Tại sao tiếp thị hoài niệm lại hiệu quả?
Tiếp thị hoài niệm là một công cụ chiến lược hiệu quả giúp các thương hiệu đạt được mục tiêu kinh doanh. Bằng cách tạo ra những trải nghiệm độc đáo và gợi nhớ về quá khứ, các thương hiệu không chỉ tăng cường lòng trung thành của khách hàng mà còn thu hút một nhóm khách hàng trung thành, sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm mang giá trị cảm xúc. Qua đó, giúp các thương hiệu nổi bật trong thị trường cạnh tranh và đạt được tăng trưởng doanh số bền vững.
Theo báo cáo của GWI, 50% Gen Z thể hiện sự yêu thích đối với những giá trị xưa cũ. Trong khi đó, Millennials – thế hệ chiếm số lượng đông đảo và là khách hàng tiềm năng cho rất nhiều sản phẩm/dịch vụ hiện nay có sự cảm nhận sâu sắc về thời thơ ấu giản đơn, ít lệ thuộc vào công nghệ, sự biến chuyển nhanh chóng này khiến Millennials cảm thấy rất nhớ về thời thơ ấu yên bình đã qua. Việc các nền tảng mạng xã hội như TikTok và Instagram không ngừng lan tỏa những trào lưu hoài cổ đã càng thúc đẩy xu hướng này phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Nostalgia Marketing đã được các thương hiệu tận dụng tối đa nhờ sự hỗ trợ của các công cụ digital marketing đa dạng. Từ việc tạo ra các video quảng cáo hoài cổ, chạy các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội, cho đến việc xây dựng các nền tảng tương tác, các thương hiệu đã tạo ra những trải nghiệm hoài niệm khó quên cho khách hàng.
Tựu trung, chiến lược Nostalgia marketing thành công vì tạo nên mối liên kết sâu sắc giữa thương hiệu và khách hàng. Các chiến dịch này mang đến cảm giác chân thật, gần gũi, từ đó gia tăng sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Sự linh hoạt của tiếp thị hoài niệm cho phép được ứng dụng vào nhiều hình thức khác nhau, từ quảng cáo truyền thống đến thiết kế bao bì hiện đại. Trong một thế giới luôn biến đổi không ngừng, việc tìm về quá khứ để tìm thấy sự ổn định và quen thuộc trở thành một nhu cầu tự nhiên của con người, và tiếp thị hoài niệm chính là cách để các thương hiệu tận dụng xu hướng này.
Những nguyên tắc của Nostalgia Marketing được thể hiện rõ nét qua cách các thương hiệu “thổi hồn” Nostalgia Marketing vào trong chiến dịch quảng cáo, hãy cùng iGem tìm hiểu nhé!
3. Tiếp thị hoài niệm trong các chiến dịch truyền thông
Coca Cola – Hoài niệm cảm xúc khi thưởng thức
Chiến dịch “Taste the Feeling” năm 2016 của Coca-Cola không chỉ là một chiến dịch quảng cáo thành công mà còn mang lại những kết quả kinh doanh đáng kể. Bằng cách tạo ra những kết nối cảm xúc sâu sắc với người tiêu dùng, chiến dịch đã thúc đẩy doanh số của Coca-Cola tăng trưởng 4% trong năm đó. Sự tăng trưởng này cho thấy việc tập trung vào trải nghiệm khách hàng và xây dựng một câu chuyện thương hiệu hấp dẫn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Việc tăng cường sự tương tác trên mạng xã hội và khuyến khích người tiêu dùng chia sẻ câu chuyện của mình về Coca-Cola cũng góp phần tạo ra một hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng.
Nguyên Xuân – Thanh xuân mãi mãi
Nguyên Xuân, một thương hiệu chăm sóc tóc quen thuộc đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng bằng việc kết hợp 13 dược liệu chăm sóc tóc từ kiến thức dân gian và nghiên cứu khoa học hiện đại. Trong mùa Tết năm 2024, chiến dịch Marketing “Thanh xuân mãi mãi” của họ đã thu hút nhiều sự quan tâm từ các chị em. Lần đầu tiên trên chuyến đi dài 36 tiếng từ Bắc vào Nam, các du khách được đắm mình trong không gian gợi nhớ như “Đêm nhạc thanh xuân” (Trạm thanh xuân gắn kết); “Tiệm tóc thanh xuân” (Trạm thanh xuân mãi mãi) và hoạt động “Viết thư tay gửi thanh xuân”.
Thông qua sự thành công của chiến dịch, Nguyên Xuân khẳng định được vị thế tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh “Tôn vinh các giá trị truyền thống, gắn kết các thế hệ”, đưa chủ đề “Thanh xuân” trở thành biểu tượng của thương hiệu, để lại nhiều dấu ấn cảm xúc tích cực trong lòng công chúng, xây dựng nhận thức của khách hàng và tạo sự liên tưởng rõ nét: “Nghĩ tới thanh xuân và những giá trị truyền thống của người Việt là nhớ tới dầu gội dược liệu Nguyên Xuân”.
Vinamilk – Bước vào bảo tàng ký ức tuổi thơ
Tại Việt Nam, cuối năm 2022, MV “Bảo tàng tuổi thơ” của Vinamilk kết hợp cùng Jun Phạm và chị Ca Nô đã tạo nên một cơn sốt hoài niệm tại Việt Nam. Với hình ảnh những trò chơi dân gian, những món ăn quen thuộc, hay những câu hát ru ngày xưa đã được tái hiện sinh động của thập niên 80, 90, MV đã thành công trong việc đưa người xem ngược dòng thời gian, khơi gợi những kỷ niệm đẹp đẽ về tuổi thơ. Chiến dịch này không chỉ là một sản phẩm quảng cáo đơn thuần mà còn là một lời mời gọi khán giả cùng nhau ôn lại những ký ức đẹp đẽ.
Muốn chiến dịch Nostalgia Marketing thành công, các thương hiệu cần tìm được sự cân bằng hoàn hảo giữa sự chân thật, sự trung thành với thương hiệu và sự đổi mới. Trong một thế giới luôn thay đổi, việc nắm vững những nguyên tắc cơ bản của Nostalgia Marketing sẽ giúp các thương hiệu tạo ra những chiến dịch thành công bền vững!
Nguồn: iGem tổng hợp